Trong trẻo giọt ngọc lưu ly
Bài viết dưới đây chỉ đúng với sản phẩm lưu ly cao cấp, được cung cấp bởi xưởng sản xuất uy tín, lâu đời mà Trầm đã làm việc, kiểm tra chất lượng và giới thiệu. Thông tin không áp dụng đối với các chất liệu giả lưu ly hay lưu ly kém chất lượng khác.
Lưu ly là gì?
Lưu ly Trung Hoa có thể hiểu đơn giản nhất là một dòng thuỷ tinh cao cấp, với phẩm chất sánh ngang với pha lê ở châu Âu.
Các ghi chép sớm nhất về lưu ly được tìm thấy từ thời nhà Đường. Tên gọi “lưu ly” gắn liền với câu chuyện về nỗi buồn tuyệt đẹp của Tây Thi khi phải nói lời tạm biệt Phạm Lãi, những giọt nước mắt trong suốt như pha lê của nàng nhỏ xuống tấm thẻ “Li” trước ngực. Lưu ly đại diện cho vẻ đẹp hài hoà, trong trẻo, thanh khiết và rạng rỡ của ánh sáng.
Lưu ly là sự kết hợp giữa văn hoá cổ đại và nghệ thuật hiện đại, là hiện thân tinh tế, duyên dáng của tư tưởng, cảm xúc và nghệ thuật phương Đông. Lưu ly được sử dụng trong các kiến trúc quan trọng, cao quý và thiêng liêng của Trung Hoa như cung điện, đền thờ, lăng mộ…
Giá trị độc đáo của lưu ly
Lưu ly là tác phẩm nghệ thuật đặc biệt, bởi 5 đặc điểm chính:
Một là, nguyên liệu thô được lựa chọn rất cẩn thận, tiêu chuẩn rất cao. (Xưởng từ chối cung cấp cho Trầm chi tiết cụ thể, Trầm sẽ bổ sung sau khi có thêm thông tin.)
Hai là, quá trình sản xuất phức tạp và kéo dài từ 10 đến 20 ngày. Trải qua 47 quy trình thủ công khắt khe, từ lên ý tưởng, thiết kế, điêu khắc khuôn sáp, nung ở mức nhiệt hơn 1400 độ C, hơn mười công đoạn mài mịn, đánh bóng, chạm khắc bằng ngòi kim cương để bề mặt tác phẩm đồng đều và tinh xảo hơn. Một khuôn chỉ có thể nung một sản phẩm và không thể tái sử dụng. Đối với các tác phẩm lớn và phức tạp, thậm chí cần mở khuôn và nung rất nhiều lần để hoàn thành.
Ba là, một quá trình dài và công phu như thế, chỉ có một đợt sản phẩm được tạo thành và tỷ lệ năng suất chỉ đạt 70%. Lưu ly là không thể tái chế. Tức là một khi xảy ra vấn đề nhỏ, sẽ mất hàng chục ngày và hàng chục quy trình, công sức của rất nhiều người sẽ bị lãng phí ngay lập tức. Tỷ lệ thành công thấp khiến các tác phẩm trở nên giá trị hơn.
Bốn là, người thợ buộc phải có trình độ tay nghề rất cao để nắm bắt, kiểm soát từng mắt xích. Mỗi quy trình đều có nhiều biến số, phải trải qua nhiều thử nghiệm lặp lại, màu sắc tác phẩm không giống nhau, sản xuất vô cùng khó khăn. Riêng về gia giảm nhiệt độ nung, một nửa là kỹ năng, một nửa là may mắn.
Năm là, thành phẩm trong trẻo như nước, sắc nét, chân thực và độc đáo. Không có hai sản phẩm lưu ly nào hoàn toàn giống nhau.
Cuối cùng, lưu ly không chỉ là chất liệu mà còn là sản phẩm văn hoá, tinh thần.
- Đối với Phật tử Trung Hoa, lưu ly là hoá thân của Đức Phật Dược Sư, có thể tiêu trừ bệnh tật, xua đuổi chướng ngại bên ngoài và bên trong. Theo đó, Phật tử thường niệm hồng danh Đức Phật Dược Sư lưu ly quang: “Nguyện sau khi đắc quả Bồ Đề, thân thể như lưu ly, trong ngoài trong sạch, thanh tịnh không tỳ vết.”
- Bởi quá trình nung rèn, lưu ly là biểu tượng của sức mạnh bền bỉ, vượt qua mọi trở ngại để toả sáng.
- Sự rạng rỡ, trong trẻo, tráng lệ, khả năng biến đổi màu sắc dưới ánh sáng mang đến vẻ đẹp nghệ thuật tuyệt vời, cảm hứng hướng đến những giá trị cao quý, thanh tịnh và ánh sáng trí tuệ.
Bảo quản
- Không va chạm hoặc ma sát với vật cứng để tránh trầy xước trên bề mặt.
- Giữ ở nhiệt độ phòng, không tự làm nóng hoặc làm mát.
- Không nên đặt trực tiếp lên bàn, tốt hơn là có một lớp đệm mềm hoặc chân cao su.
- Nên lau bằng nước tinh khiết. Nếu dùng nước máy thì cần để yên trên 12 giờ để giữ độ bóng và sạch cho tác phẩm lưu ly.
- Tránh tiếp xúc với khí lưu huỳnh, khí clo…