Trầm Hương Hỷ Lạc

Thái độ trước chuyện trái ý có thể xoay chuyển vận mệnh

Ngày 27/06/2024

 

Mình thường nghe rằng thái độ tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận. Đặc biệt, thái độ trước hoàn cảnh trái ý còn có sức mạnh xoay chuyển vận mệnh lớn lao hơn, vì chuyện trái ý mang đến cảm xúc dữ dội hơn.

 

Nhà Phật thường gọi chuyện trái ý, bất toại nguyện là “khổ”. “Khổ” này bao gồm cả những nỗi đau, mất mát to lớn trong đời đến những cảm xúc khó chịu, bực bội nhỏ xíu trong ngày. Ở đây, Trầm xin sử dụng từ “khổ đau” (cả tâm lẫn thân) thay cho chuyện trái ý, bất toại nguyện với ý nghĩa như vậy.

 

3 thái độ

 

Nạn nhân của khổ đau 

Nạn nhân của khổ đau, nghĩa là mình là người phải chịu đựng, phải nhận lãnh khổ đau một cách bị động. Khổ đau này hoàn toàn do đối tượng khách quan bên ngoài gây ra cho mình.

 

Tâm lý nạn nhân của khổ đau ít nhiều tồn tại ở hầu hết mọi người. Đó là khi gặp phải hoàn cảnh bất như ý, mình cảm thấy bất công, cảm thấy: Tại sao chuyện này lại xảy ra với mình? Mình sống tử tế không làm hại ai, thực sự không đáng nhận kết quả thế này. Người ta đã đối xử bất công với mình. Ông trời đối xử bất công với mình. Mình là nạn nhân của bất công.

 

Ví dụ, khi mình chỉ là một đứa trẻ non nớt vô tư, mình thường bị bố mẹ đánh mắng hoặc thiệt thòi so với anh chị em trong nhà. Khi trưởng thành một chút, mình học hành chăm chỉ, nỗ lực ngày đêm nhưng thi trượt. Khi đi làm, mình cố gắng cống hiến nhưng bị sếp, đồng nghiệp chèn ép. Khi yêu đương, mình hết lòng chân thành nhưng bị bỏ rơi, hoặc phản bội… Điểm chung là mình cảm thấy mình không làm gì có lỗi cả, mình xứng đáng với điều tốt hơn.

 

Những chuyện nhỏ hơn, tự dưng sáng ngủ dậy trên mặt mọc một cục mụn, đang đi xe bị tắt máy, đến chỗ làm bị người ta chê một câu, mua nhầm hàng kém chất lượng, đi chơi gặp trời mưa, về nhà bị cằn nhằn… Mình khó chịu, cảm thấy thật là xui xẻo xúi quẩy, thật là một chuyện từ trên trời rơi xuống, người kia thật là tệ hại khi hành xử với mình như thế.

 

Chủ nhân của khổ đau

Chủ nhân của khổ đau ý thức được rằng: Nỗi khổ này là nghiệp của mình, là nhân mình đã gieo trong đời này hay đời trước, đây là lúc nhận quả. Khổ đau này là trách nhiệm của mình, mình là chủ của nó.

 

Chủ nhân của khổ đau khi gặp những hoàn cảnh tương tự, từ khổ lớn đến khổ nhỏ, không nghĩ là bất công, mà nghĩ là đây là điều buộc phải xảy ra rồi, đến lúc rồi. Mình đã từng gây biết bao khổ đau cho người khác, chúng sinh khác. Mình giết bao nhiêu là kiến, muỗi, tôm, cá… Mình cũng nói và làm những điều gây tổn thương cho ba mẹ mình, bạn bè, người yêu… Mình cũng đối xử bất công với ai đó tốt với mình nhưng mình không thích. Mình cũng phủ nhận nỗ lực của người khác. Mình cũng chèn ép, bỏ rơi ai đó, dù không cố tình. Mình cũng chê bai, khó chịu, cằn nhằn, phán xét người khác. Mình cũng mắc nhiều sai lầm. Suy nghĩ, lời nói, hành động của mình nhiều lần cũng không tốt đẹp gì… Mà còn biết bao nhiêu đời kiếp, sai lầm, ác nghiệp nhiều đến thế nào. Điều này xảy ra là đúng rồi. Cũng giống như điều tốt mình nhận được là do đã từng làm điều tốt. Chứ trên đời này làm gì có quả mà không có nhân.

 

Người may mắn được nhận món quà khổ đau

Người nuôi dưỡng thái độ rằng: Khổ đau là lòng tốt, sự giúp đỡ, tình thương yêu của vũ trụ, của chư Phật, của Thiên Chúa… dành cho mình, là bài học mà Người muốn mình học được, vì hạnh phúc của mình và mọi người. Có thể ngay lúc đang khổ mình chưa thể nhìn thấy một cách rõ ràng, nhưng mình tin chắc như vậy. Qua bao lần khổ đau, mình hiểu được hoá ra khổ đau đó giúp mình trưởng thành hơn, trân quý cuộc sống hơn, thấu tỏ bản chất đời sống hơn, và hạnh phúc hơn. Nếu mọi việc đều thuận lợi, như ý, mình sẽ chẳng học được điều gì. Thật may mắn vì được ban cho một cơ hội quý giá như vậy để học hỏi và trở thành một phiên bản tốt hơn.

 

Người may mắn được nhận món quà khổ đau, khi gặp khổ lớn hay khổ nhỏ, không đổ lỗi cho người khác, cũng không bận tâm tìm lỗi gì của mình (vì đó là sự thật đã xảy ra rồi), mà cảm thấy biết ơn cơ hội này và nghĩ về bài học mình cần phải học được. Tập trung vào thông điệp đang được gửi gắm thông qua hoàn cảnh này, và nỗ lực vượt qua, học được nhiều nhất có thể, để trưởng thành và hạnh phúc hơn.

 

3 hành xử

 

Nạn nhân của khổ đau

Nạn nhân của khổ đau, phần nhiều là trong vô thức (vì mình không ý thức được mình đang hành xử như vậy, không cố tình) sẽ đổ lỗi cho người khác, đối tượng khác, than thân trách phận.

 

Nếu như chủ nhân gây ra đau khổ là người khác, đối tượng khác thì sẽ đợi chờ, kêu đòi người đó, đối tượng đó thay đổi, bù đắp cho bất công mình phải chịu. Nếu như đối phương không thay đổi, đời tôi sẽ mãi khổ như thế này. Hoặc là tôi sẽ hành xử làm sao cho tương xứng với bất công này: tôi sẽ trả đũa người đó, hoặc là trả đũa cuộc đời (bằng cách gây đau khổ cho cuộc đời hoặc cho chính mình).

 

Ví dụ, mình bị ai đó chê bai, trách mắng, cà khịa, cảm thấy oan ức, thì sẽ đợi đến thời điểm nào đó thích hợp (lúc họ làm sai, gặp chuyện chẳng hạn), chê bai, trách mắng, cà khịa lại. Người ta đối xử không tốt với mình, mình sẽ trả đũa bằng cách giận hờn, không thèm giao tiếp hoặc đối xử lạnh nhạt, không tốt lại. Ông ăn chả thì bà ăn nem. Ăn miếng thì trả miếng.

 

Thậm chí, sâu sắc hơn, có khi gặp chuyện bất công, mình tự dưng lại làm cho bất công đó càng lớn hơn (hoá ra người khổ là mình trước tiên), kiểu đã lở thì cho loét luôn; hay có người từng bị phản bội hoặc bạo hành cứ liên tục thu hút/vô thức chọn lựa người tiếp tục phản bội hoặc bạo hành mình, như một dạng trả đũa cuộc đời (đây là một cách giải thích, bên cạnh nhiều cách giải thích tâm lý khác).

 

Chủ nhân của khổ đau 

Vì khổ đau này là nghiệp, là nhân quả của mình nên người chịu trách nhiệm với khổ đau chính là mình. Người chịu trách nhiệm thay đổi khổ đau cũng chính là mình.

 

Chủ nhân của khổ đau biết cảm ơn hoàn cảnh đã tịnh hoá phần nào nghiệp xấu mình đã gây ra và thay đổi vận mệnh bằng cách sám hối ác nghiệp; tích cực gieo nhân tốt, nhân lành, thiện nghiệp. Chủ nhân của khổ đau không bị động chờ đợi ai đó phải thay đổi, hay bù đắp, mà chủ động tự mình thay đổi cách nghĩ, cách nói, cách hành xử để vượt qua khổ đau, xoay chuyển vận mệnh.

 

Nếu người khác đối xử với mình không tốt, mình chấp nhận nhân quả, và cố gắng gieo nhân tốt lành, nếu có thể thì tìm cách tác động, thay đổi họ bằng cảm thông, lòng tốt của mình, đôi khi là bằng hành động quyết liệt của mình, có lúc mình phải rời bỏ họ để bảo vệ bản thân (không bị đối xử tệ nữa) và bảo vệ người khác (không gieo nhân xấu nữa). Có thể hành xử của nạn nhân và chủ nhân của khổ đau có vẻ ngoài giống nhau, nhưng cái lõi khác biệt là tâm thế của mình oán trách hay chấp nhận, mờ mịt hay sáng tỏ, kích động hay bình tĩnh. Mình đang là nạn nhân hoàn toàn bị khổ đau điều khiển, hay là chủ nhân đang nỗ lực thay đổi để mọi việc tốt đẹp hơn? Trung thực, và thời gian sẽ trả lời.

 

Người may mắn được nhận món quà khổ đau

 

Người may mắn được nhận món quà khổ đau sẽ biết ơn sự giúp đỡ luôn luôn đúng thời điểm, đúng cách thức này của ơn trên và nỗ lực hành xử sao cho xứng đáng với sự giúp đỡ quý giá này.

 

Không chờ đợi ai thay đổi, không cầu mong cho đau khổ sớm qua đi, mà đối diện trực tiếp với đau khổ với niềm tin rằng đây là sự ban phước của ơn trên, trân trọng khoảng thời gian này để suy ngẫm lại toàn bộ quá trình đã qua xem có thể học hỏi được điều gì từ quá khứ, xem xét cần phải làm gì tiếp theo để học được bài học đang cần. Tin rằng cơn mưa dù có mạnh mẽ, dai dẳng, giông bão đến thế nào, rồi cũng sẽ trời quang mây tạnh, nên việc của mình là tận dụng cơn mưa để trưởng thành, tốt đẹp hơn, để học cách nhảy múa dưới mưa.

 

Hành động của người may mắn có thể cũng giống như chủ nhân, hoặc nạn nhân, tuỳ vào tình huống, nhưng với mục đích là tận dụng đau khổ này như một món quà quý giá để học hỏi, vì hạnh phúc của mình và mọi người (mình hạnh phúc thì mọi người cũng hạnh phúc).

 

3 chiều hướng vận mệnh

 

Nạn nhân của khổ đau

Vì là nạn nhân nên không có cách nào thoát khỏi khổ đau cũ, và vì oán thán, trả thù nên lại tiếp tục gây thêm khổ đau mới. Số phận của nạn nhân là như vậy, không thể tự chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình.

 

Chủ nhân của khổ đau

Chủ nhân của khổ đau có khả năng vượt qua đau khổ cũ và kiến tạo hạnh phúc mới. Người biết tịnh hoá nghiệp xấu, gieo trồng nghiệp tốt thì sẽ đạt được kết quả tốt đẹp.

 

Người may mắn được nhận món quà khổ đau

Đối với người may mắn được nhận món quà khổ đau, ngay từ đầu, tâm thế đã ngập tràn biết ơn nên cả quá trình cũng không giống như khổ đau của người khác mà có thể nhìn thấy trong bóng tối có ánh sáng, trong bùn có sen, trong khổ đau có hạt mầm hạnh phúc. Vận mệnh của họ ngay từ đầu đã là vận mệnh của người được ban phước. Họ cũng vượt qua khổ đau, kiến tạo và thu hút hạnh phúc. Họ còn trở thành một phiên bản tốt hơn vì họ tận dụng khổ đau để học hỏi và trưởng thành.

 

Thay lời kết

 

Chúng ta có thể có tâm lý nạn nhân ở chuyện này, chủ nhân ở chuyện kia, người may mắn ở chuyện khác, tuỳ thuộc vào mức độ khổ đau, hoàn cảnh và tích luỹ nghiệp của mình. Hoặc có thể trong quá trình đối diện với khổ đau, lúc đầu chúng ta là nạn nhân, lúc giữa là chủ nhân, lúc cuối là người may mắn. Đi qua đau khổ rồi, mới nhận ra quả thật đây là ban phước lớn lao.

 

Nhưng phần lớn, ảnh hưởng bởi môi trường văn hoá, giáo dục, chúng ta sống với thái độ nạn nhân của khổ đau, người nào đó hoặc số phận gây ra bất hạnh cho mình. Thái độ chủ nhân của khổ đau, người may mắn được nhận món quà khổ đau nảy sinh nhờ quá trình tu tập. “Tu” là sửa, “tập” là tập luyện, thực hành. Tập luyện việc sửa suy nghĩ, lời nói, hành động (thân, khẩu, ý) để từ nạn nhân thành chủ nhân, thành đứa con yêu dấu luôn được thương yêu, che chở của vũ trụ.

 

Trầm hương Hỷ Lạc, hiện diện như người bạn đồng hành trên hành trình trở về an vui sẵn có bên trong khách hàng, sẵn lòng chia sẻ góc nhìn, cách thức thực hành tâm linh phù hợp với hoàn cảnh và những vấn đề riêng của đời sống hiện đại, để tâm mình ngày càng trở nên bình an và hạnh phúc hơn. Mong rằng những chia sẻ như vậy có thể làm sáng lên một ngày, hay đem đến một giải pháp an vui cho đời sống của mình.

 

 

Nghệ thuật thưởng trầm – lối vào thực tại an vui

Ngày 09/05/2024

Thực tại an vui là gì? Thực tại an vui, có thể được hiểu nôm na là Hiện tại – là tài sản chân thật nhất,...

Xem thêm

5 cách dụng trầm tối đa hiệu quả

Ngày 30/01/2024

  Ngày nào Trầm hương Hỷ Lạc cũng dùng hương trầm, sáng trầm, chiều trầm, tối về nhà cũng trầm, vì càng lúc càng hiểu thêm...

Xem thêm

Hương đạo - nghệ thuật thưởng hương

Ngày 25/01/2024

Bên cạnh Kiếm đạo, Trà đạo, Hoa đạo, người Nhật cũng phát triển nghệ thuật thưởng hương đến mức độ tinh hoa, đậm chất thiền...

Xem thêm

NHẬP THÔNG TIN KHUYẾN MÃI TỪ CHÚNG TÔI

phone 0797 895 899

Giỏ hàng