Trầm Hương Hỷ Lạc

Chữa lành bằng vẻ đẹp và hương trầm

Ngày 18/08/2023

Tổn thương là gì?

 

Tổn thương là những dấu ấn được ghi lại trong tâm thức, khi tâm không chấp nhận sự thật, kháng cự, chối bỏ những gì đã xảy ra. Ví dụ như một cuộc chia ly, một mất mát, một sự phủ nhận, phản bội, hay sỉ nhục, coi thường…

Tổn thương không nằm ở tự thân sự việc đã xảy ra, mà nằm ở tâm lý chối bỏ, kháng cự, không chấp nhận sự thật. Cùng một sự việc giống nhau, ví dụ như khi bị chia tay, người chấp nhận nó như một điều tất nhiên của đời sống, có gặp gỡ thì có chia ly, có khởi đầu thì có kết thúc, thì trong tâm thức người đó không hình thành tổn thương. Ngược lại, sự kiện chia ly có thể trở thành một vết thương sâu sắc đối với người không chấp nhận. Không chấp nhận càng lớn, tổn thương sẽ càng mãnh liệt.

 

Không chấp nhận chính mình

Truy xét đến cùng, thậm chí chúng ta sẽ nhận ra, tổn thương không phải là chối bỏ sự việc, mà là chối bỏ chính mình. Đó là tâm lý không chấp nhận chính mình trong quá khứ, không chấp nhận chính mình đã suy nghĩ, xúc cảm, nói năng, hành động như vậy, không chấp nhận mình là người như vậy. Khi bị chia tay, hay bị bỏ lại, người ta không chấp nhận mình là người không xứng đáng được yêu thương, chúng ta không chấp nhận được mình trong mối quan hệ đã suy nghĩ, nói năng, hành xử để trở nên không xứng đáng, để bị bỏ lại. 

Chỉ đến khi nào người ta chấp nhận được bản thân mình bất toàn, thì sự toàn vẹn chân thật, chữa lành thật sự mới có cửa để bước vào.

 

Tích luỹ trong vô thức

Tổn thương, vì không được thừa nhận bởi mong muốn điều đó chưa từng xảy ra, nên thường bị che đậy, rồi dần dần chìm vào vô thức, tưởng chừng như đã bị lãng quên. Nhưng thực chất, tổn thương vẫn luôn ở đó và làm chủ phản ứng của chúng ta.

Tổn thương, có thể được tích luỹ từ vô lượng kiếp, trở thành vô thức tập thể, vô thức giống loài, không thể nào truy vết. Đó là lý do có người tự nhiên bẩm sinh đã sợ độ cao, sợ không gian hẹp, hoặc không gian rộng; con người tự nhiên sinh ra đã sợ bị tổn hại, bị bỏ rơi, sợ không được thừa nhận, không được yêu thương…

 

Dấu hiệu của tổn thương

Chúng ta có thể nhận diện được tổn thương của chính mình và người khác khi nhìn vào cách mà chúng ta phản ứng với một sự việc. Một câu nói, một hành động vốn là bình thường, bỗng nhiên bị phản ứng một cách bất thường, giọng nói cao hơn, thái độ dữ dội hơn, hay vội vàng lẩn tránh, trốn chạy, đôi khi bằng những vỏ bọc rất hợp lý, hoa mỹ.

Khi chúng ta đổ lỗi cho ai đó một cách mạnh mẽ, đó cũng là dấu hiệu của sự không chấp nhận chính mình, ở đúng chỗ mà mình đang buộc tội người khác. Nếu chúng ta tự nhận thấy rằng, mình cũng vậy, cũng sai lầm, hoặc ích kỷ, hoặc tham lam, hoặc dối trá, hoặc tự đại, hoặc xấu xí, biếng lười… như vậy, chúng ta tự cảm thông cho người khác, thay vì lên án họ gay gắt. Khi chúng ta tự chấp nhận mình, chúng ta không có tổn thương, ở ngay vấn đề đấy.

 

Hậu quả của tổn thương

Tổn thương, khiến chúng ta không nhìn nhận sự việc một cách tự nhiên như nó vốn là. Tổn thương sẽ thu hút sự suy diễn theo hướng càng tô đậm tổn thương, và tiếp tục dẫn đến đau khổ. 

Nếu một người mang theo vết thương bị coi thường, thì chỉ một ánh mắt liếc nhìn đồng hồ (từ một người có lịch trình bận rộn) khi họ đang nói thôi, cũng sẽ được diễn dịch thành không tôn trọng. Trong khi sự việc đó sẽ được nhìn nhận một cách đơn thuần là “Anh sắp có việc gì sao? Chúng ta sẽ nói chuyện tiếp sau nhé!”, hay là “Anh không muốn nói chuyện nữa à? Nãy giờ tôi nói say sưa quá.” đối với người không có vết thương này.

Người chịu tổn thương sẽ gắn kết sâu sắc một hành động với bản chất con người họ. Khi người khác chê trách một hành động sai của họ, họ không nhìn nhận rằng “À, đó là một hành động không đúng. Mình sẽ sửa.”, mà nhìn nhận thành “Toàn bộ con người của mình là sai lầm, vô giá trị…”

Tổn thương tiếp tục thu hút những tình huống tô đậm tổn thương, cho đến khi nào nó được thừa nhận và chữa lành. Đó là lý do một người có thể gặp phải kiểu hoàn cảnh lặp đi lặp lại, thậm chí lần sau sâu sắc hơn lần trước. Đó là tiếng gọi tha thiết của tổn thương, để chúng ta phải chú ý đến nó, và thực sự chăm sóc nó.

Tổn thương ngăn không cho hạnh phúc đến với chúng ta, vì chúng ta không chịu đóng cánh cửa khổ đau lại, chúng ta chỉ lẩn trốn, chứ không thực sự chữa lành.

 

Nguyên tắc của chữa lành

Chấp nhận sự thật, đó là nguyên tắc của mọi liệu pháp chữa lành. Chấp nhận tình huống đã qua, sự việc đã qua. Chấp nhận chính mình trong tình huống đó, sự việc đó.

Tổn thương là do không chấp nhận. Chấp nhận, chính là chữa lành.

 

Một số hình thức chữa lành

Liệu pháp chữa lành có thể được chia thành hai loại: liệu pháp từng phần và liệu pháp toàn phần. Cả hai liệu pháp đều có ý nghĩa quan trọng đối với hành trình chữa lành của chúng ta.

Liệu pháp từng phần, là cách thức chúng ta cho phép vết thương cụ thể nào đó đang bị đè nén dưới lớp sương mù vô thức được lộ diện, chúng ta dũng cảm và trung thực thừa nhận sự tồn tại của vết thương đó, và chấp nhận nó như một sự thật. 

Một sự thật, có thể được chấp nhận theo nhiều cách. Có thể đơn giản là điều đó thực sự đã xảy ra. “Sự thật rằng tôi bị bỏ rơi, bị phản bội, bị phủ nhận, bị sỉ nhục, bị mất mát, bị đối xử bất công, tôi không xứng đáng được yêu thương…, dù xù xì, đau đớn như thế nào, tôi chấp nhận nó, vì nó là sự thật, không có cách nào chối cãi được. Và nhờ vậy, tôi buông bỏ quá khứ này, và bước tiếp cuộc đời mình, theo cách mà tôi muốn.” Đây là sức mạnh.

Sự thật có thể được chấp nhận bằng cách hiểu ra rằng, tất cả mọi người đều hành xử tốt nhất trong khả năng, nhận thức, lịch sử, văn hoá của họ, mình cũng vậy, người kia cũng vậy. Đây là tình thương.

Sự thật có thể được chấp nhận bằng hiểu biết rằng, mọi sự xảy ra là do nhân quả nhiều đời, mình đã từng gieo nhân nên đã nhận quả. Trí tuệ nhà Phật sẽ giúp chúng ta nhận ra rằng, không có một người nào đứng đằng sau điều khiển hành động, hay chịu đựng, tất cả là dòng chảy tự nhiên của nhân quả mà thôi. Thực hành đúng cũng sẽ giúp chúng ta nhận ra rằng, tổn thương chỉ xảy ra trong tâm trí, cuộc đời là huyễn ảo lấp lánh như bộ phim chiếu trên màn hình, như giấc mơ. Đây là trí tuệ.

Dù bằng cách nào, miễn là sự thật được nhìn nhận, và chấp nhận, vết thương sẽ được chữa lành. Chấp nhận càng nhiều, chữa lành càng nhiều. Chấp nhận ở đâu, chữa lành ở đó.

Tổn thương nào được nhìn nhận và chấp nhận, thì sự chữa lành này rất sâu sắc, và hiệu quả, và cuộc đời chúng ta ở phần đó sẽ thay đổi. Chúng ta cũng không nhất thiết phải soi chiếu để chữa lành từng tổn thương một. Tâm trí thông minh này, một khi biết cách chữa lành, sẽ tự hoạt động trong âm thầm, giống như cách nó đã che đậy vết thương trong âm thầm vậy (tưởng rằng như thế là tự vệ).

Liệu pháp toàn phần, sử dụng tình yêu thương, sự chấp nhận vô điều kiện, bất kể đó là tổn thương to hay nhỏ, xảy ra vào đời này hay đời trước, được ý thức hay trốn trong vô thức. 

Chấp nhận vô điều kiện, chỉ xảy ra trong giây phút này, trong không gian Nhận Biết. Hãy hình dung, từ xưa đến nay, cho đến muôn đời sau, thế gian dù đổi dời, thành trụ hoại diệt, đều xảy ra trong không gian. Không gian là nơi vạn vật sinh ra rồi biến mất, sinh ra, rồi biến mất. Không gian ôm lấy tất cả đúng sai, tốt xấu, bẩn sạch của thế gian. Cảm nhận được không gian tràn đầy Nhận Biết này là sống trong sự chấp nhận vô điều kiện, nơi mọi tổn thương đều được chữa lành tự nhiên, không phân biệt.

Tổn thương của chúng ta đã qua rất lâu rồi, chỉ còn lại vết dấu trong tâm trí hiện tại. Tổn thương chính là dấu ấn trong tâm trí ngay bây giờ. Nếu chúng ta sống trong giây phút hiện hữu đang là, không gắn chặt vào tâm trí lao xao nữa, chúng ta là toàn vẹn, đủ đầy, và tổn thương chưa từng tồn tại. Đó là lý do mà càng chánh niệm, tỉnh thức, chúng ta càng an vui. Tổn thương sẽ tự nhiên được chữa lành, bất kể chúng ta có nhận thức được nó hay không.

Bất cứ phương cách nào đưa tâm chúng ta trở về tiếp chạm với giây phút này, đó chính là chữa lành. Có thể là ở giữa thiên nhiên, có thể là thiền định, có thể là chú tâm vào hiện tại, vào hình ảnh, âm thanh, mùi hương, xúc chạm. Tất cả các liệu pháp chữa lành kiểu thiền, hoà vào thiên nhiên, bước chân chạm đất, chuông xoay, mùi hương, trà đạo, nghe nhạc, chơi cờ, vẽ tranh, massage trị liệu… dù hình thức rất phong phú và công dụng bề mặt rất khác nhau, nhưng đều có chung một nguyên tắc căn bản, đưa tâm trở về phút giây này, để sự chấp nhận vô điều kiện tự chữa lành cho tất cả.

“Có một trăm điều có thể giải thích, một ngàn điều có thể giảng cho con. Nhưng chỉ có một điều con nên nắm lấy. Biết một điều và giải phóng tất cả. Hãy ở trong bản tính tự nhiên của con: sự Nhận Biết.” (Đức toàn tri Longchenpa)

 

Chữa lành bằng vẻ đẹp và hương trầm

Hiểu được nền tảng của chữa lành, Trầm hương Hỷ Lạc sử dụng vẻ đẹp và hương trầm để đưa tâm về với Thực tại Đang Là thiêng liêng. Sử dụng hiệu quả thị giác và khứu giác, làm chiếc cầu nối, làm cánh cửa để quý khách hữu duyên có thể bước vào Thực tại - nơi tất cả mọi vết thương đều được ôm lấy, chữa lành - nơi tình yêu thương, sự chấp nhận, bình an, trí tuệ, sức mạnh mà chúng ta hằng mong ước đều đang có sẵn, và có đủ cho tất cả.

Lời nhắn nhủ quan trọng của Trầm dành cho quý khách mến thân trên hành trình chữa lành vừa khó khăn vừa thú vị này, rằng trong sự vẹn toàn của Thực tại, từng cá nhân là bất toàn, mình và người khác đều bất toàn, đều đã, đang và sẽ có thể mắc sai lầm, không chân thật, không yêu thương, không tốt đẹp, không hiểu biết, không mạnh mẽ… Điều đó là sự thật. Hãy chấp nhận chính mình, như mình đang là. Đó là món quà quý giá mà mình có thể trao tặng cho bản thân, và cho thế giới.

Nghệ thuật thưởng trầm – lối vào thực tại an vui

Ngày 09/05/2024

Thực tại an vui là gì? Thực tại an vui, có thể được hiểu nôm na là Hiện tại – là tài sản chân thật nhất,...

Xem thêm

5 cách dụng trầm tối đa hiệu quả

Ngày 30/01/2024

  Ngày nào Trầm hương Hỷ Lạc cũng dùng hương trầm, sáng trầm, chiều trầm, tối về nhà cũng trầm, vì càng lúc càng hiểu thêm...

Xem thêm

Hương đạo - nghệ thuật thưởng hương

Ngày 25/01/2024

Bên cạnh Kiếm đạo, Trà đạo, Hoa đạo, người Nhật cũng phát triển nghệ thuật thưởng hương đến mức độ tinh hoa, đậm chất thiền...

Xem thêm

NHẬP THÔNG TIN KHUYẾN MÃI TỪ CHÚNG TÔI

phone 0797 895 899

Giỏ hàng